Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hungary từ năm 2018 với tổng số lao động xuất cảnh đến thời điểm này đạt hơn 2.700 lao động. Số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và 1.148 lao động trong 9 tháng đầu năm 2023. Theo thông tin từ được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết.
Chi phí không quá 3 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên
Cụ thể, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của 25 doanh nghiệp dịch vụ để tuyển chọn và đưa lao động sang làm việc tại Hungary.
Người lao động Việt Nam thường được tiếp nhận vào làm việc trong các ngành nghề: thợ hàn và đốc công, xây dựng, sản xuất chế tạo, chế biến gỗ, hái nấm trong nhà, khách sạn, nhà hàng tại Hungary.
Từ 01/01/2023, tiền lương cơ bản của người lao động Việt Nam làm việc tại Hungary không thấp hơn mức 232.000 HUF/tháng (khoảng 660 USD/tháng). Thời hạn hợp đồng là 02 năm. Chế độ làm việc 8 giờ/ ngày, 5 ngày/tuần. Ngoài thời gian này thì được tính tiền làm thêm giờ (làm thêm giờ theo quy định của pháp luật Hungary thì người lao động được hưởng 150% lương cơ bản cho làm thêm giờ trong các ngày thường, 200% lương cơ bản cho làm các ngày lễ.) Người lao động được hưởng các ngày lễ và ngày phép có hưởng lương hàng năm theo Luật Lao động Hungary.
Người lao động được người sử dụng chu cấp 03 bữa ăn 1 ngày và chỗ ở miễn phí. Chi phí đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc do người sử dụng chi trả. Đồng thời, sử dụng cung cấp miễn phí phương tiện giao thông từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại hoặc chi trả chi phí này. Sau khi hoàn thành hợp đồng, người sử dụng lao động chi trả vé máy bay lượt đi và lượt về cho người lao động.
Chi phí của người lao động trước khi đi chủ yếu bao gồm tiền dịch vụ, lệ phí visa… trong đó mức tiền dịch vụ được quy định là không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc và tối đa không quá 03 tháng tiền lương/hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
5 yêu cầu triển khai
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tập trung triển khai các nội dung sau:
Thăm dò, trao đổi khả năng ký kết Thỏa thuận/Bản Ghi nhớ với cơ quan hữu quan Hungary về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary.
Yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nói chung và doanh nghiệp được chấp thuận thực hiện hợp đồng đưa lao động sang làm việc tại Hungary nói riêng tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tuyển chọn đúng đối tượng lao động, thực sự có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, có trình độ tay nghề và khả năng ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của phía tiếp nhận lao động, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, thông tin đầy đủ tới người lao động về công việc, quyền lợi, chế độ và trách nhiệm của người lao động khi làm việc tại Hungary.
Yêu cầu doanh nghiệp tổ chức tốt công tác quản lý, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài, kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề liên quan đến người lao động làm việc ở nước ngoài.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động nước ngoài, trong đó có thị trường lao động Hungary, các quy định của pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các địa chỉ cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các kênh đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp theo quy định của pháp luật, danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động biết, tìm hiểu, lựa chọn và đưa ra quyết định phù hợp khi đi làm việc ở nước ngoài.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nguồn: Báo Công lý